Trong đời của bạn, những người giúp đỡ bạn là những người tốt, có đạo nghĩa, những người không giúp đỡ bạn cũng không có gì đáng trách cứ, không nên nuôi dưỡng thù hận với họ, bởi họ đâu có nợ bạn.
Thật vậy các bạn ạ! Không khó nhận ra nhiều người không hiểu lý lẽ đến nổi, nhờ người khác giúp đỡ và bị từ chối thì lại quay sang không ưa, thù ghét, nói xấu sau lưng …
Nhớ lại có lần về quê chơi, trong lúc vui miệng lại “khoe” ra đồng lương ba cộc ba đồng của mình. Nó cũng là con số mơ ước của nhiều người ở vùng quê vốn dĩ sống nhờ vào lúa gạo. Sau đó không lâu, một người bà con đã liên hệ mượn tiền. Thật sự lúc đó không còn tiền trong người và đã phải từ chối vì ngoài khả năng của mình. Vậy đó, sau khi về lại lần tiếp theo thì họ không muốn nhìn mặt mình luôn. Vạ miệng mà ra.
Hôm nay cũng đọc được trên internet câu chuyện về chủ đề này, cũng xin chia sẻ lại cho mọi người cùng suy ngẫm.
======================
Tôi nhớ, năm đó sau khi tốt nghiệp đại học tôi làm việc ở một công ty, có một ngày tôi và anh Hoàng ra ngoài công tác.
Sau khi giải quyết xong công việc, chúng tôi lái xe ra khỏi bãi đậu xe, một người lớn tuổi với phù hiệu màu đỏ ở trên tay áo đến chỗ chúng tôi thu phí. Rõ ràng xe của chúng tôi đậu ở đó chưa đến nửa tiếng đồng hồ, mà ông ấy lại thu của chúng tôi 30 ngàn.
Tôi không khỏi lầm bầm, nói một câu: “Các chú thu phí như thế này thật không hợp lý”.
Ông ấy liếc mắt nhìn tôi một cái, không nói lời nào, liền đóng cổng bãi đậu xe lại, rồi đi vào phòng trực, thoải mái nhàn nhã ngồi uống trà, kiểu như muốn nói, trong địa bàn của ta, thì phải nghe theo ta, không đưa tiền thì đừng có hòng ra khỏi đây.
Tôi định xuống xe để nói lý lẽ với ông ấy, nhưng anh Hoàng đã ngăn tôi lại, không nói một tiếng, lấy tiền ra trả phí đỗ xe. Thế là chúng tôi rời đi.
Tôi phàn nàn với anh Hoàng: “Rõ ràng là chúng ta đúng, tại sao anh lại thỏa hiệp? Sợ gì chứ! Cùng lắm thì làm tới cùng cho ra lý ra lẽ”.
Anh Hoàng cười nói: “Chú còn trẻ quá, ai cũng biết là ông ta thu phí sai, nhưng không lẽ chỉ vì chút tiền ấy mà phải lãng phí thời gian của mình, ảnh hưởng đến công việc đã được chuẩn bị sẵn, kỳ thực làm như vậy là không có lợi nhất”.
Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in anh Hoàng lần đó đã nói với tôi câu này: “Đừng bao giờ tranh biện với những người khác trình độ, nếu không sẽ dẫn đến những tổn hao vô ích cho bản thân”.
Một người bạn của tôi làm nghề biên tập tên Tiểu Nghị, đã kể cho tôi một trải nghiệm của cậu ấy.
Năm nay khi cậu ấy về quê ăn tết, có người họ hàng thân thích trong gia đình hỏi cậu ta, một tháng kiếm được bao nhiêu tiền?
Tiểu Nghị trả lời thật, nhưng không ngờ sau khi nghe xong, họ đã nói với giọng châm biếm rằng, sao học đại học ra trường mà thua một cậu học trung cấp ở trong thôn, mới đi làm mấy năm nay mà đã mua được nhà ở thành phố rồi, họ còn nói học nhiều như vậy thật là uổng phí.
Tiểu Nghị nói với tôi, hồi đầu năm một công ty truyền thông mà cậu ta rất thích đã đăng tuyển người, thế là cậu ấy đã nộp hồ sơ và trúng tuyển.
Mặc dù công việc này lương khởi điểm không cao, lại còn thường xuyên phải tăng ca, nhưng mỗi ngày có thể làm việc với những người cùng chí hướng, cậu ấy cảm thấy cuộc sống của mình rất vui và có ý nghĩa.
Nhưng sau khi nghe họ hàng nói vậy, Tiểu Nghị thật sự muốn tranh luận, nhưng sau một hồi suy nghĩ lại thôi.
Trong chuyện này, họ hàng của Tiểu Nghị đã dựa vào số tiền kiếm được làm tiêu chí để phán xét sự thành công của một người, mà Tiểu Nghị thì lại xem trọng giá trị và tiền đồ mà công việc đem lại.
Hai góc độ nhận thức khác nhau, thì thật khó đồng quan điểm.
Thế nên khi tiếp xúc với rất nhiều kiểu người khác nhau, nếu mọi chuyện đều muốn tranh biện minh bạch thì cũng tương đương với rước phiền não, rắc rồi vào thân.
Không tranh luận với người không hiểu lý lẽ, bởi vì chúng ta không thể cải biến tính cách và tố chất họ.
Chúng ta chỉ có lựa chọn là nhường nhịn và tạo khoảng cách với họ.
Nhún nhường không phải mềm yếu, không phải nhượng bộ, mà là lựa chọn tốt nhất cho chính mình.
– Sưu tầm –